Escaping the loop 2

Tôi dừng hơi lâu sau bài 1, vì dạo này lắm chuyện để hóng hớt quá. Cũng có lúc thay vì chờ xem đến bao giờ chuyện đời thay đổi, tôi dần có xu hướng nghĩ về ngày mình dừng lại và chấp nhận rằng đó là một việc làm quá sức.

Có không ít thành tích có vấn đề.

Người ta biết là nó có vấn đề.

Nhưng có thể là vì chiếc WH-1000XM4 luôn gắn trên tai, mà tất cả những gì tôi nghe chỉ là một khoảng lặng kéo dài chừng vài năm ánh sáng. Đến khi các bài báo xuất hiện ngày càng dày đặc, tôi tự tin nhận ra mình lạc loài đến thế nào. Tôi tôn trọng sự khác biệt của mỗi người, và ai cũng có quyền sống cuộc sống riêng, nhưng nếu con tôi đi hỏi 10 người hàng xóm và cả 10 người đều dạy nó rằng nhặt được của rơi thì nên âm thầm đút vào túi, chắc hẳn rằng tôi nên chuyển nó đi nơi khác.


Hồi năm 2 đại học, tôi làm bài tập lớn môn Lập trình hướng đối tượng, nội dung là mô phỏng hoạt động của một cái thang máy. Tôi làm rất kỳ công, DirectX GDI các kiểu, hình đẹp, thuật toán cũng xịn (hoặc không). Tôi còn thêm mấy chế độ hoạt động tiết kiệm điện này kia, thầy giáo xem cứ gật gù tỏ vẻ hài lòng lắm lắm. Tuy nhiên, không hiểu kiểu gì mà sau phần trình bày của tôi, dù đề bài không yêu cầu, đến nhóm nào thầy cũng hỏi rằng có chế độ tiết kiệm không, vân vân và vân vân, tôi ngồi dưới không nhịn được cười, nhưng sau này nghĩ lại thì cũng không có gì đáng để cười hết.

Mọi sự đánh giá trong thế giới, hay vũ trụ, đều là tương đối. Chúng ta nói một người đẹp là vì có người khác xấu hơn họ, nói một người thấp là vì có người khác cao hơn. Những nhóm sinh viên năm ấy đáng lẽ đã làm rất tốt, xứng đáng 10 điểm, nhưng khi có tôi tốt hơn, người ta lại không thấy các nhóm sinh viên kia tốt nữa.


Với sự trợ giúp của báo chí, ngày nay bất cứ ai cũng có thể trở thành chuyên gia, ở bất cứ lĩnh vực nào. Người đọc không có trách nhiệm và cũng không cần thiết phải bỏ công để kiểm chứng một thông tin có chính xác hay không, chính xác đến mức nào, hoặc trong nhiều trường hợp, là không thể kiểm chứng. Nhưng bởi vì “những gì mà người ta không biết, họ cứ nghĩ là ghê gớm” (hãy đọc phần bình luận của các bài viết về các chuyên gia nếu bạn không tin), báo chí trở thành công cụ hiệu quả cho việc làm sáng tên tuổi. Tất cả những gì chúng ta cần đánh đổi, là một chút tự trọng.

Thật sự, tôi muốn mua cho bố tôi một cái máy tính bảng, để đọc tin tức cho đỡ buồn. Nhưng tôi phân vân là, liệu ông có bắt đầu nghi ngờ vào sự tuyệt chủng của khủng long, nếu mấy cậu nhà báo cứ khăng khăng rằng vừa thấy một con đi dạo trong vườn nhà mình ngày hôm trước?

Một lẽ tự nhiên, bạn có thể thấy những người không im lặng thật phiền phức. Họ làm mọi thứ rối tung cả lên, trong khi nó đâu đến nỗi nào. Nhưng đã có bao giờ bạn thử nghĩ, xã hội mà bạn đang sống có thật sự không đến nỗi nào, nếu những người như họ chưa từng xuất hiện?


Trong tương lai không xa, giữa một sinh viên với bài blog “Tôi đã hack ABC XYZ”, và một chuyên gia bảo mật từng trình bày tại BabyTalk, nếu trong vai cô nàng HR xinh đẹp đang cần tìm người cho công ty an ninh mạng hàng đầu của mình.

Thì bạn sẽ chọn người thứ nhất.

Quá hiển nhiên không cần giải thích gì thêm. Đừng khóc nếu sau này con bạn là người thứ hai. Chỉ là.

Thật kỳ lạ.

Tôi luôn có một thắc mắc luẩn quẩn trong đầu.

Một đứa trẻ, nó có thể sẽ hư vì không được ai dạy.

Nhưng tại sao, người ta lại chủ ý dạy nên những đứa trẻ hư?

Comments are better than Likes